Tin tức14:13 ngày 07/03/2015

Ông Chung Thành Tiến - Giám đốc TVT ProTrain góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán

Ngày 12 tháng 12 năm 2014, tại Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu, đã diễn hội nghị "Góp Ý Về Dự Thảo Sửa Đổi Bổ Sung Một Số Điều Của Luật Kế Toán" do Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) và Văn phòng Đại diện Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tại Việt nam phối hợp tổ chức.

Đến tham dự Hội nghị góp ý lần này, Ông Chung Thành Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Chuyên nghiệp TVT (TVT ProTrain) đã đóng góp nhiều ý kiến rất hữu ích cho bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật kế toán.

 

Ông Chung Thành Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Chuyên nghiệp TVT (TVT ProTrain) phát biểu góp ý tại Hội nghị

 

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG  MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KẾ TOÁN

 

Ông Chung Thành Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Chuyên nghiệp TVT (TVT ProTrain)

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam - VICA

Trưởng Đại diện phía Nam - VICA

 

Luật kế toán năm 2003 đã góp phần to lớn tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ, hoàn chỉnh và phù hợp cho giai đoạn đầu hội nhập của nến kinh tế Việt Nam giúp cho Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế thị trường và hội nhập mạnh mẽ với kinh tế quốc tế. Luật Kế toán 2003 cũng đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và những người làm công tác kế toán có cơ sở rõ ràng, vững chắc trong việc tổ chức công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, quản lý việc kinh doanh tại đơn vị cũng như đáp ứng tốt cho nhu cầu quản lý nhà nước trong suốt hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ, nhu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập sâu rộng hơn nữa, Luật kế toán 2003 không còn phù hợp và cần phải được chỉnh sửa, bổ sung để đáp ứng tốt nhất cho mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Trong nội dung bài góp ý này, dựa trên cơ sở của bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật kế toán đang được đưa ra lấy ý kiến, tôi xin tham gia đóng góp một vài nội dung mang tính chủ quan của cá nhân tôi như sau:

1. Giải thích từ ngữ:

Điều 4 của Luật kế toán năm 2003 và Điều 4 của dự thảo Luật kế toán có định nghĩa về Kế toán tài chính và kế toán quản trị, theo đó:

"Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán.

Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng các báo cáo kế toán quản trị do chủ sở hữu quy định theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán."

Ý kiến góp ý:

- Theo quy định của Luật kế toán 2003 và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán thì cho phép tồn tại 02 hình thức kế toán là Kế toán tài chính và kế toán quản trị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang tồn tại một loại kế toán ngòai Luật đó là Kế toán thuế (người làm kế toán chỉ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ để ghi nhận) với trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng lọai kế toán này để báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước.

- Theo quy định tại Chế độ kế toán, ngoài DN có vốn nhà nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp BCTC cho cơ quan tài chính, các DN còn lại chỉ nộp cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan cấp phép và đơn vị cấp trên nên hầu hết các DN còn lại này nộp BCTC là báo cáo theo kế toán thuế dẫn đến thực tế BCTC không phản ánh đúng thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy câu hỏi đặt ra là việc tồn tại loại kế toán này có vi phạm Khỏan 10 Điều 14 - các hành vi nghiêm cấm của Luật kế toán không? Cách giải quyết thực trạng này sẽ như thế nào?

12. Kế toán viên hành nghề là người có chứng chỉ hành nghề kế toán đã đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Ý kiến góp ý:

Xuyên suốt các nội dung quy định về hành nghề kế toán không có điểm nào đề cập đến trường hợp những người có chứng chỉ kiểm toán viên nhưng không làm kiểm toán mà hành nghề kế toán. Theo quy định hiện hành, những người có chứng chỉ kiểm toán viên vẫn được phép cung cấp dịch vụ kế toán thế nhưng vấn đề này cũng không được đề cập trong Điều 55 của Luật sửa đổi, bổ sung lần này. Như vậy phải chăng Luật kế toán sửa đổi sẽ không cho phép người có chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán?

2. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp:

Tại khỏan 2, Điều 8 quy định: "2. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề kế toán."

Trong phần giải thích từ ngữ có nêu "12. Kế toán viên hành nghề là người có chứng chỉ hành nghề kế toán đã đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán." và trong Điều 55 của Luật kế toán thì thuật ngữ "hành nghề Kế toán" được sử dụng rất nhiều theo nghĩa là dành cho những người cung cấp dịch vụ kế toán (bao gồm đơn vị và cá nhân).

Như vậy theo khỏan 2 Điều 8 thì Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chỉ áp dụng cho những người hành nghề kế toán tức là những người có cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng, những đối tượng làm kế toán khác không chịu sự chi phối bởi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán?

Ý kiến góp ý:

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phải được áp dụng cho tất cả những người làm kế toán, tôi đề nghị nên đổi cụm từ "đối với tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề kế toán" thành "đối với tổ chức, cá nhân tham gia làm kế toán" sẽ phù hợp hơn và tránh hiểu nhằm là chỉ áp dụng cho những người hành nghề kế toán.

3. Các hành vi nghiêm cấm:

Khoản 7 Điều 14 quy định: "7. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản, trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể."

Khoản 10 Điều 14 quy định: "10. Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên với dụng ý xuyên tạc số liệu, bỏ ngoài sổ sách tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán;"

Ý kiến góp ý:

- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán được hiểu là thủ trưởng đơn vị kế toán như vậy đối với Công ty TNHH MTV và cả các loại hình DN khác ngoài DN có vốn nhà nước, tài sản là của chính họ (trừ trường hợp thuê người quản lý) thì quy định không được mua báo tài sản trong trường hợp này không phù hợp nên xem xét lọai trừ thêm các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV và các doanh nghiệp khác đã được quy định trong Điều lệ Công ty.

- Để tránh có sự hiểu nhằm khi kiểm tra, thanh tra kế toán của các cơ quan nhà nước trong trường hợp đơn vị kế toán tồn tại 02 hệ thống sổ kế toán trở lên trong đó 01 hệ thống phục vụ cho kế toán quản trị hoặc không lập hệ thống sổ kế toán tài chính nào (đối với trường hợp chỉ lập kế toán thuế), Khoản 10 Điều 14 nên bổ sung như sau:

10. Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên (trừ việc lập hệ thống sổ kế toán cho mục đích quản trị) hoặc không lập số kế toán tài chính với dụng ý xuyên tạc số liệu, bỏ ngoài sổ sách tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán;"

Đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm như sau:

11. Cung cấp dịch vụ kế toán, hành nghề kế toán không đúng quy định tại Điều 55.

Hiện nay trên thị trường dịch vụ đang tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán nhưng không có chứng chỉ hành nghề, không đăng ký hành nghề, không đăng ký kinh doanh, không chịu bất kỳ sự quản lý nào từ phía cơ quan nhà nước. Cụ thể như: Công ty Kiểm toán cung cấp dịch vụ kế toán theo luật kiểm toán độc lập nhưng không đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán, Doanh nghiệp thành lập trước khi luật kế toán 2003 có hiệu lực trên giấy phép có ngành nghề kinh doanh dịch vụ kế toán, Công ty luật cung cấp dịch vụ kế toán dưới hình thức tư vấn, cá nhân có chứng chỉ kế toán/bằng cấp kế toán nhận làm nhiều khách hàng/đứng tên kế toán trưởng nhiều đơn vị, cán bộ thuế nhận làm kế toán,...

4. Hành nghề dịch vụ kế toán:

Theo bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán, quy định quá chi tiết và quá khắc khe về  điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán nên phát sinh nhiều nội dung chưa phù hợp cho định hướng phát triển cũng như thực trạng của dịch vụ kế toán hiện nay.

4.1. Khỏan 4 Điều 55: "Có ít nhất ba kế toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn"

Ý kiến đóng góp:

Việc quy định cố định số lượng 03 kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp là chưa phù hợp vì:

- Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm hơn 90%) với số lượng khách hàng bình quân khoảng 50 khách hàng, 03 kế toán viên hành nghề là dư thừa đôi khi không có việc làm trong khi đó phải gánh thêm chi phí thuê kế toán viên hành nghề. Gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ kế toán trong thời gian tới. Với quy định 02 Kế toán viên hành nghề như hiện nay mà thị trường dịch vụ kế toán trong suốt hơn 10 năm qua cũng chỉ tập trung tại các thành phố lớn, các địa phương khác vẫn tồn tại nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán, nhưng do không đáp ứng được quy định này nên chấp nhận làm chui;

- Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán với quy mô lớn (vài trăm khách hàng), việc quy định 03 kế toán cũng không phù hợp vì không đảm bảo 03 Kế toán viên hành nghề này có đủ thời gian để tham gia kiểm tra, soát sét báo cáo cho khách hàng --> không đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp trên thị trường;

Mục tiêu của việc tăng số lượng kế toán viên hành nghề từ 02 lên 03 là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kế toán được tốt hơn, đây là một quan điểm hoàn toàn tốt và nên cần được ủng hộ. Tuy nhiên, từ 02 lý do trên, mục tiêu này hầu như chưa đạt được trong giai đoạn hiện nay mà chi gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị nên giữ nguyên điều kiện quy định 02 Kế toán toán viên hành nghề trong Luật kế toán và bổ sung việc quy định "tùy vào qui mô, điều kiện và giai đoạn cụ thể Chính phủ sẽ có hướng dẫn số lượng Kế toán viên hành nghề cho phù hợp".

4.2. Khỏan 4 Điều 55 (tt): "Bảo đảm vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ;"

Ý kiến đóng góp:

Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty. Chính phủ không thể tham gia quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp được, chính phủ chỉ quy định vốn pháp định đối với các ngành nghề đòi hỏi cần vốn đầu tư lớn, hoặc ngành nghề nhạy cảm chính phủ không khuyến khích.

Do đó, đề nghị nên bỏ nội dung trong này trong luật vì:

- Nếu ghi là vốn điều lệ, thì theo quy định nhà nước sẽ không can thiệp vào mà nhà đầu tư tự quyết định phần vốn của mình khi đăng ký kinh doanh --> nội dung này không có ý nghĩa

- Nếu là vốn pháp định thì mục đích của việc bắt buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán là ràng buộc nghĩa vụ bồi thường khi xẩy ra thiệt hại cho khách hàng. Việc này không khả thi vì tại thời điểm đăng ký thành lập Doanh nghiệp không thể cân đo được mức độ thiệt hại để bồi thường cho khách hàng là bao nhiêu để làm cơ sở quy định.

Mục đích của quy định là rất rõ ràng nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, như trình bày trên thì việc này không khả thi, nếu cần nên bắt buộc mua bảo hiểm nghề nghiệp sẽ phù hợp hơn.

4.3 . Khỏan 4 Điều 55 (tt): "c) Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc."

Dự thảo luật chưa rõ và chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp vì theo luật doanh nghiệp DNTN vẫn được thuê người làm giám đốc quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thì không có lý do gì Luật kế toán lại bắt buộc Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.

Ý kiến đóng góp:

Đề nghị chỉnh sửa như sau: c) Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc. Trường hợp thuê người khác làm giám đốc quản lý doanh nghiệp, giám đốc phải là kế toán viên hành nghề.

5. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Điểm c, khoản 5, Điều 55: "c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của các kế toán viên hành nghề;"

Ý kiến đóng góp:

Đề nghị điều chỉnh thành: c) Bản sao chứng chỉ hành nghề kế toán của các kế toán viên hành nghề;

Không cần thiết phát sinh thêm giấy chứng nhận đăng ký hành nghề vì người có giấy chứng nhận này cũng không thể cung cấp dịch vụ được nếu không đăng ký kinh doanh theo Điều 55 của Luật này.

6. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Điểm a, khoản 10 điều 55: - Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 55d Luật này trong ba tháng liên tục;

Ý kiến đóng góp:

Đề nghị sửa lại: a) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 55 c Luật này trong sáu tháng liên tục;

Các luật khác liên quan đến đình chỉ hoạt động kinh doanh đều quy định sáu tháng. Đề nghị luật kế toán cũng nên quy định thống nhất.

7. Các nội dung khác:

Nhìn chung ngoài các nội dung góp ý trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán lần này đã có nhiều điểm mới phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam cũng như các nội dung cam kết WTO mà Việt Nam là một thành viên cụ thể như nguyên tắc giá thị trường, chấp nhận sổ sách kế toán được lưu trữ trên các phương tiện điện tử và đặc biệt việc cụ thể hóa một số chức năng, nâng cao vai trò của Hội nghề nghiệp trong việc đào tạo, CNKT, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán cho những người làm kế toán là một thay đổi mang tính hội nhập mạnh mẽ trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

Xin chân thành cám ơn Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện để tôi được tham gia góp ý liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Xin chân thành cám ơn Quý vị Đại biểu, Quý vị Khách quý cùng toàn thể Anh/Chị/Em đồng nghiệp đã chú ý lắng nghe!

 

Cuối cùng, xin kính Chúc Quý vị đại biểu, các vị Khách Quý và toàn thể Hội nghị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

 

Xin trân trọng cám ơn!

Bình luận

HỖ trợ trực tuyến

  • Tư vấn chiêu sinh 2

  • Tư vấn chiêu sinh 1

  • Liên hệ dịch vụ

0835172279 09 11 73 63 73